M

Xây Dựng Xã Hội bằng Thực Hành Lời Chúa

Suy niệm Tin Mừng Luca (3,10-18)

trích đọc vào Chúa Nhật 3 Mùa Vọng


Sau khi nghe thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi ăn năn sám hối, nhiều người tỏ ra phục thiện, sẵn sàng cải đổi nếp sống sai lạc của mình. Họ xin thánh Gioan những lời khuyên: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?”
Gioan Tẩy Giả đã đưa ra những lời khuyên thiết thực.
Đối với người khá giả thì ngài khuyên họ hãy chia cơm xẻ áo: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Luca 3, 11).
Đối với người thu thuế thì ngài dạy họ đừng bắt chẹt ai: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh” (Luca 3, 13).
Đối với người nắm quyền lực trong tay thì đừng ức hiếp dân lành và đừng tham nhũng : “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình” (Luca 3, 14).
Nói chung, các lời khuyên nêu trên đều khuyến khích mọi người thực hiện công bằng và bác ái nhằm xây dựng một xã hội chan hòa hạnh phúc yêu thương.
Nhưng tiếc thay, những lời khuyên của Gioan Tẩy Giả trên đây cũng như những lời Chúa dạy trong Tin Mừng chưa được nhiều người đón nhận và đem ra thực hành nên nhân loại phải sống triền miên trong bất công và nghèo đói.
Ủy ban phát triển xã hội (CSD) của Liên Hiệp Quốc ngày 6 tháng 2 năm 2012 đã đưa ra một nghịch cảnh là 20% dân số nghèo nhất thế giới chỉ sở hữu 1% tổng thu nhập toàn thế giới; trong khi 1% dân số giàu có nhất chiếm tới 14% tổng thu nhập toàn cầu.
Còn theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc tháng 10 năm 2012, gần 870 triệu người (một phần tám dân số thế giới) đang bị suy dinh dưỡng vì thiếu đói trầm trọng trong giai đoạn 2010-2012. (nguồn:www.fao.org/news/story/en/item/161819/icode/ )
Trong hoàn cảnh còn rất nhiều người đói ăn và sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng, thì việc chia cơm xẻ áo, thực thi công bằng mà Thiên Chúa mời gọi, qua miệng ngôn sứ Gioan Tẩy Giả, là việc làm khẩn thiết hơn bao giờ hết, để đem lại ấm no cho mọi người, đem lại công bằng cho xã hội, đem lại hạnh phúc cho muôn dân.
Hơn ai hết, ki-tô hữu phải là người đầu tiên đáp lời mời gọi của Thiên Chúa và Hội Thánh để thực thi bác ái, công bình trong xã hội.
Đạo cứu đời
Một số người cho rằng đạo và đời là hai lãnh vực cách biệt, chẳng có liên hệ gì với nhau nên bên nào thì chuyên trách bên đó. Thực ra, hai lãnh vực nầy gắn bó với nhau mật thiết như xác với hồn, bởi vì khi tôn giáo đào tạo nên một tín hữu tốt thì xã hội có thêm một công dân tốt; khi tôn giáo cảm hóa được một tội nhân thì xã hội bớt đi một tên tội phạm; khi người tín hữu sống công bằng bác ái với người chung quanh, là họ đang làm cho xã hội nên tốt đẹp, vì họ cũng là công dân trong xã hội. Chính khi sống theo những lời khuyên dạy của Tin Mừng, ki-tô hữu làm cho xã hội có thêm công bằng và bác ái. Như thế, họ góp phần xây dựng và phát triển xã hội bằng chính đời sống của mình.
Vì thế, trong thư gửi cộng đồng dân Chúa năm 2010, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Bê-nê-đích-tô XVI gửi cộng đồng dân Chúa: “Khi xây dựng đời sống mình trên nền tảng những giá trị Tin Mừng như bác ái, liêm chính và quý trọng công ích, anh chị em là những công dân tốt, tích cực tham gia vào việc xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Qua anh chị em, Giáo Hội đóng góp phần mình vào việc phát triển con người và xã hội cách toàn diện…”
Như thế, Lời Chúa không chỉ có tác dụng mang lại ơn cứu rỗi cho các linh hồn mà còn là nền tảng để xây dựng xã hội và thế giới này được hoà bình và hạnh phúc. Nhờ việc thực thi Lời Chúa trong đời sống hằng ngày, người giáo dân góp phần xây dựng và phát triển xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Lạy Chúa Giê-su,
Khi xuống thế làm người, ngoài sứ mạng hiến thân đền tội để cứu rỗi các linh hồn, mang lại cho họ hạnh phúc đời sau, Chúa còn quan tâm xây dựng thế giới này thành một cộng đồng huynh đệ, sao cho mọi người được sống trong hạnh phúc an vui, bằng cách dạy chúng con thực thi công bằng bác ái, sống hy sinh phục vụ, mưu cầu hạnh phúc cho nhau.
Nguyện xin Chúa giúp chúng con chuyên chăm thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, để vừa nâng cao đời sống đạo đức bản thân, vừa góp phần làm cho xã hội được an bình hạnh phúc.
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà
Nguồn: giaoly

Những điều người đời không hiểu bạn đang làm gì vì bạn là người Công Giáo

Các tín hữu Công Giáo có rất nhiều nghi thức và truyền thống tốt đẹp đầy ý nghĩa, nhưng đối với những người không hiểu điều chúng ta làm thì đôi khi chúng có chút gì đó kỳ quặc. Không phải lúc nào người ta cũng hiểu những hành vi của chúng ta, những điều ta làm vì tình yêu đối với Thiên Chúa và vì ao ước được gần Ngài hơn.

Chúng ta cũng đã thêm vào danh sách của mình những điều khôi hài. Có thể tôi không phải là người duy nhất ngẫu nhiên dừng lại để quỳ gối khi bước vào hay lúc ra khỏi hàng ghế trong rạp chiếu phim?! Khả năng cười nhạo vào mình giúp chúng ta thực hành đức hạnh khiêm tốn, nhưng điều quan trọng là chúng ta nhận ra khi nào những nghi thức này mất đi ý nghĩa và trở thành thói quen.

Khi đọc qua bản danh sách bên dưới, bạn hãy dành chút thời gian để ngẫm nghĩ tại sao chúng ta làm những điều này. Hãy nhớ lại ý nghĩa và tầm quan trọng của các nghi thức ấy, để giúp bạn thoát ra khỏi lối mòn khi làm những cử chỉ đó chỉ vì thói quen. Và nếu có điều nào trong danh sách mà bạn không làm, thì hãy nghĩ đến việc bạn sẽ thêm một vài điều ấy vào đời sống thiêng liêng của bạn! Chúng có thể khác người, nhưng chúng sẽ giúp bạn lớn lên trong sự thánh thiện.Bạn ngẫu nhiên quỳ gối hay cúi đầu khi bước vào rạp chiếu phim. Đó là thói quen khi bạn thấy các hàng ghế trông giống như các dãy ghế trong nhà thờ.

Bạn cầu nguyện trước mỗi bữa ăn … ngay cả trong nhà hàng, Bạn phải thánh hóa thức ăn.

Bạn luôn dành ưu tiên cho người khác đi trước. Bạn biết rằng trên thiêng đàng, “kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu…” (Matthêu 20,16)

Bạn không thề thốt và bạn nói thầm “Con xin lỗi Chúa” khi nghe người khác gọi Danh Ngài một cách bất kính. Bạn biết rằng chúng ta không được kêu Danh Chúa cách bất kính. 2

Bạn cho đi tiền bạc của chính mình… cho Giáo Hội, cho người nghèo, và cho những người cần đến nó hơn bạn, bởi vì bạn biết đó là một món quà từ Thiên Chúa, Đấng mời gọi bạn chia sẻ với người khác.

Bạn ăn mặc đoan trang. vì đoan trang luôn là sự khôn ngoan nhất.


Bạn về nhà sớm vào tối thứ Bảy để bạn không ngủ vùi vào sáng Chúa Nhật, vì bạn sẽ đi tham dự Thánh Lễ.

Bạn nói chuyện với một người bị mọi người xa lánh, vốn chẳng ai muốn ở cạnh “…bất cứ điều gì các ngươi làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy…” (Matthêu 25,40).

Bạn đảm nhận vai trò người đỡ đầu của mình cực kỳ nghiêm túc Oh! Đó là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong đời bạn. (Thi thoảng) Bạn nói không với món tráng miệng và nhiều người trong chúng ta kiêng thịt vào ngày thứ Sáu để dâng của lễ hy sinh lên Thiên Chúa.

Bạn thức dậy trong khi nghe đồng hồ báo thức Đó là kỷ luật tinh thần. Ngủ nướng chỉ dành cho những người yếu nhược.

Bạn không nên tham dự vào những chuyện tầm phào nơi công sở “Anh em đừng thốt ra lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe.” – Êphêsô 4,29.

Bạn ca ngợi Vẻ Đẹp của công trình tạo dựng bởi vì bạn biết Đấng Tạo Hóa.

Bạn làm Dấu Thánh Giá mỗi khi lái xe gần Nhà Thờ Đó là nhà của Thiên Chúa và chính Chúa Giêsu CƯ NGỤ ở đó!

Bạn luôn có Tràng Hạt Mân Côi trong xe, trong túi và trong ví của bạn, … Bạn không biết khi nào bạn phải cần đến một vũ khí đầy sức mạnh.

Không phải lúc nào bạn cũng đúng và là người đưa ra quyết định cuối cùng bởi vì lòng khiêm tốn.

Bạn có ý hướng trong sáng nơi danh sách các mối tương quan của bạn và bạn đã đọc Thần học về thân xác.

Trong mỗi kỳ nghỉ của bạn đều có: Tìm kiếm nhà thờ Công Giáo nơi đó và xem giờ Lễ Thiên Chúa không hề có kỳ nghỉ nào.

Bạn mang Thánh Giá hay tượng thánh trên mình Bạn nói rằng: “Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn” và thực tế bạn có cầu nguyện Thậm chí bạn còn có một cuốn sổ ghi lại những người bạn sẽ cầu nguyện cho họ.

Bạn dành giờ để thực hiện một quyết định hệ trọng Bạn cần cầu nguyện để biết được thánh ý Chúa.

Bạn quay cuồng trong bận rộn, nhưng bạn dành thời gian cho giờ thiêng liêng, tĩnh tâm cuối tuần… và hành hương đến Ngày Giới Trẻ Thế Giới Khi chúng ta dâng thời gian cho Chúa, Ngài sẽ làm cho nó lên gấp bội lần như trong phép lạ năm chiếc bánh và hai con cá.

Bạn tỏ ra ngưỡng mộ khi thấy các Linh mục, Nữ tu và những người sống đời Thánh hiến khác. Thậm chí bạn theo dõi họ trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Làm sao bạn có thể không yêu mến và ngưỡng mộ những người đã cống hiến cuộc đời cho Thiên Chúa một cách hoàn toàn như thế?!

Bạn biết ý nghĩa thật sự của việc được chúc phúc và nó không liên hệ gì đến tiền bạc, của cải, sắc đẹp, danh vọng hay những thành công thế gian.

Bạn xây dựng hòa bình, kiến tạo niềm vui, và diễn tả lòng biết ơn trong mọi cảnh huống cuộc sống Bạn biết Chúa kiểm soát những điều ấy và bạn tín thác vào kế hoạch của Ngài.
Nguồn: tintucconggiao.net

Nỗi buồn của bố mẹ có con đi tu

Trong mắt những người chung quanh nhìn vào gia đình tôi với dáng vẻ kiêu hãnh khi mang trên mình cái danh xưng "Ông Bà cụ" thật xót xa khi nhìn sâu vào bên trong của cái danh xưng hào hoa đó là cả một bầu trời khó nhọc của bố mẹ.

Trong thời đại bây giờ làm cái gì cũng phải tiền, thế nhưng có người bảo "Đi tu thì không cần phải lo gì, cơm ăn ba bữa, có nhà dòng nuôi" đúng là cơm có nhà dòng nuôi thật, ăn rồi chỉ lo học, lo tu thân, tu tính nết. Nhưng tiền học hành ai sẽ lo cho những người tu trì đây? Nếu không là bố mẹ chu cấp vậy ai dám bỏ tiền ra cho một việc không chắc chắn trên con đường tu trì? Biết đâu mai này xuất tu thì sao? Nếu không có sự hy sinh tình thương yêu và trách nhiệm mà khi bố mẹ đứng trước bàn thờ đã thề hứa với Chúa thì ai có thể thay thế bố mẹ được chứ?

Có người lại bảo "Đi tu là có nhà dòng lo từ A đến Z, bố mẹ không phải lo gì nữa cả" nghe họ nói vậy tôi cũng nghĩ bố mẹ của những người tu trì thật hạnh phúc và an nhàn, vừa có cái mác mà cộng đoàn dán lên cho là hãnh diện là "Ông Bà cụ", vừa sướng vì không phải lo gì cho đứa con đi tu đó, cuộc sống thật êm đềm làm sao.


Nhưng từ khi tôi bước vào đời tu thì tôi mới hiểu được những lo toan và bao nhiêu cực nhọc mà bố mẹ hằng ngày đang gánh chịu, nhưng lúc nào cũng cười vui vẻ và bảo với tôi "Con cứ cố gắng đi tu cho trọn, bố mẹ vẫn khỏe, con không cần phải lo gì đâu".Nhưng tôi hiểu những câu nói an ủi đó vẫn thấm nét đượm buồn mà bố mẹ giấu nén trong lòng. Có một lần tôi được về hè tôi đang ở trong nhà thì nghe ai đó nói vọi (đứng ngoài ngõ nói) với mẹ tôi là "Bà sướng nhỉ vì có con đi tu" mẹ tôi liền nói lại rằng: "Tôi cho bà đó đem về mà nuôi" trong câu nói đó của mẹ tôi ẩn chứa bao nhiêu khó nhọc mà mẹ tôi đang gánh chịu mà chẳng ai hay, cũng không một lời oán than. mỗi khi bề trên cho gọi điện về nhà thì mẹ là người nhấc máy hỏi han, rồi đến khi gặp bố thì hỏi thăm sức khỏe được dăm ba câu bố lại bảo bố bận việc rồi chuyển máy cho mẹ, nói được mấy câu nữa thì kết thúc cuộc gọi. Bố tôi luôn âm thầm và chẳng nói gì nhiều.

Đôi lúc tôi nghĩ bạn bè trang lứa đã có gia đình và đã làm ra tiền để nuôi bố mẹ nhưng tôi thì đã ngoài 30 nhưng mỗi khi về nhà lại phải ngửa tay xin tiền bố mẹ để đi đường, có những lúc đi mãi đến 3 hoặc 4 năm mà không về, cứ mỗi lần gọi điện về thì bố mẹ lại bảo "sao con không về"? Tôi cứ cười rồi nói "dạ nhà dòng đang còn việc nên con không thể về được, khi nào rảnh con sẽ về". Thực ra thì tôi cũng muốn về thăm bố mẹ lắm chứ, nhưng bố mẹ đã mấp mé 70 rồi mà vẫn còn phải lam lũ vất vả làm ruộng đồng, cứ mỗi lần về bố mẹ lại phải lấy mỡ tiền lẻ trong túi ra đưa cho tôi, thấy cảnh đó ai mà chả nghẹn lòng chứ. Nếu trong một trường hợp có đứa em đang nằm viện thì khi bạn là một người tu về thăm nhà và đến ngày đi thì sẵn tiền bố mẹ sẽ đưa cho bạn, còn em của bạn bố mẹ sẽ mượn tiền lo sau.


Có một số người nghĩ đi tu sẽ được tiền nhiều lắm, (Tu triều thì tôi không nói đến) còn tu dòng thì dù già vẫn phải xin tiền để chi tiêu cho nhu cầu cá nhân hàng tháng, đã tu dòng thì nam cũng như nữ.

Thấy Ông Bà cười vui vẻ khi gặp mặt chúng ta, đừng nghĩ Ông Bà đó sướng vì có con đi tu. Thấy họ siêng năng đi nhà thờ, đừng nghĩ rằng họ có con đi tu nên phải siêng, mà đó là bổn phận của họ, sự hy sinh của họ chỉ vì mong muốn con cái của họ tu được trọn vẹn.

Thấy gọi Ông Bà cụ là họ cười, đừng nghĩ rằng họ muốn nhận danh xưng đó, nhưng đó là cách đối nhân xử thế, và danh xưng đó đã có từ xưa tới nay nên chúng ta đừng đánh bóng danh xưng đó, để rồi chính chúng ta nâng họ lên sau đó lại hạ họ xuống trong đau đớn của họ.

Hằng ngày chúng ta nhớ cầu nguyện cho họ để nhiều người dám hy sinh dâng con mình cho Chúa.Cả một bầu trời khó nhọc của bố mẹ đằng sau danh xưng "Ông Bà Cụ".
Nguồn: tintucconggiao.net

Yêu thương không thể nói suông

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN - NĂM B
Bài đọc 1: Đnl 6,2-6; Bài đọc 2: Dt 7,23-28; Phúc Âm: Mc 12,28b-34

Bài Tin Mừng vừa đọc ghi lại câu Đức Giêsu trả lời ông kinh sư Do Thái khi ông chất vấn Ngài về điều răn nào là quan  trọng nhất trong Luật pháp Môsê. Người đã nêu ra hai điều răn quan trọng là mến Chúa, yêu người. Ông kinh sư cũng nhất trí như vậy và còn cho rằng, hai điều này có giá trị hơn mọi của lễ toàn thiêu và hy lễ dâng tiến Đức Chúa trong đền thờ.
THỰC HÀNH YÊU THƯƠNG THEO HƯỚNG TÍCH CỰC
Ai trong chúng ta cũng đều ý thức về hai bổn phận đối với Thiên Chúa và tha nhân. Đức Giêsu nhấn mạnh điều răn yêu người chính là điều kiện để biểu lộ lòng mến Chúa và xứng đáng được Chúa vui nhận lễ vật: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Thế nhưng, cụ thể chúng ta phải yêu thương anh em thế nào?
Truyền thống Do Thái có câu chuyện như sau: Ngày kia một người tìm đến với thầy Samai, thuộc phái giải thích luật một cách nghiêm khắc và cho biết mình có ý định tìm kiếm chân lý. Ông hỏi: “Thầy có thể dạy tóm lược tất cả các lề luật trong thời gian tôi đứng trên một chân. Vì tôi không thể ở lại Giêrusalem lâu được?”. Nghe nói thế, thầy Samai nổi giận và truyền đuổi ông ra khỏi nhà mình. Không mất niềm hy vọng, ông ta tìm đến với thầy Gillen, một người vừa thông thái, vừa cởi mở. Trước cùng một câu hỏi được đưa ra, thầy Gillen đã trả lời ngay:  “Đừng làm cho người khác điều anh không muốn họ làm cho anh. Đó là cái cốt lõi của lề luật. Tất cả những thứ khác, chỉ là để giải thích cho giới luật này mà thôi”.
Trong Cựu Ước, Tôbia đã khuyên con mình: “Điều con không thích thì đừng làm cho người khác” (Tb 4,15a). Được như vậy, cuộc sống của chúng ta sẽ an vui hạnh phúc. Đức Khổng Tử cũng khuyên đồ đệ tương tự rằng “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Còn trong Tân Ước, Đức Giêsu dạy các môn đệ thực hành yêu thương theo hướng tích cực: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
SỐNG YÊU THƯƠNG BẰNG VIỆC LÀM
Yêu thương không chỉ bằng tình cảm nhất thời chóng qua, nhưng bằng các việc cụ thể như trong kinh “Thương người có mười bốn mối” dạy. Thánh Giacôbê cũng đòi các tín hữu phải yêu thương cụ thể như sau: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?” (Gc 2, 15-16); “Nhờ hành động mà con người nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin” (Gc 2,24).
Mẹ Têrêsa Calcutta dạy các nữ tu thực hành yêu thương tha nhân:
- Hãy bắt đầu yêu thương các người thân trong gia đình: “Tôi luôn luôn nói rằng, tình yêu phải khởi sự từ gia đình trước đã, rồi sau đó mới đến thành phố hay đô thị. Yêu thương những người ở xa chúng ta thì dễ, nhưng yêu thương những người sống với chúng ta hay ở ngay bên cạnh chúng ta thì lại không dễ chút nào”.
- Đừng xét đoán hay nói xấu tha nhân: “Nếu bạn xét đoán, bạn sẽ không còn giờ để yêu họ”.
- Hãy quảng đại cho đi: “Bạn phải cho đi những gì làm bạn bị thiệt thòi. Như thế, không chỉ cho đi những gì dư thừa, nhưng cho cả những gì bạn không thể sống nếu không có nó, những gì bạn thật sự yêu thích. Như thế, món quà của bạn trở thành lễ hy sinh, có giá trị trước mặt Chúa”.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn sống phục vụ trong yêu thương. Nơi cộng đoàn, biết tâm đầu ý hợp. Trong gia đình, biết mặn mà dễ thương. Ngoài xã hội, biết đối xử tốt và thương xót. Với mọi người, biết nhân nhượng và tôn trọng nhau. Khi làm việc, biết siêng năng và tận tình. Trong mọi sự, biết tha thứ, chịu đựng và tin tưởng. Ở mọi nơi, luôn chiếu tỏa lòng Chúa hiền hậu, khiêm nhường. Trước cám dỗ, luôn chiến thắng để bền đỗ trong ơn thánh. Nhờ đó chúng con trở nên tông đồ được Chúa sai đi mà làm chứng về Chúa cho mọi người.
Lm  Ðan vinh, Hiệp hội Thánh Mẫu
Nguồn: CGVDT

Chúng ta nghĩ rằng mình mến Chúa yêu người, nhưng có thật hay không ?

Chúng ta nghĩ rằng mình mến Chúa yêu người, nhưng có thật hay không ?

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN - NĂM B
Bài đọc 1: 1V 17,10-16; Bài đọc 2: Dt 9,24-28; Phúc Âm: Mc 12,38-44

1.
 Người đời thường đánh giá theo bề ngoài, còn Thiên Chúa thì đánh giá theo tấm lòng. Khi tham dự thánh lễ, Chúa không để ý tới quần áo, vẻ mặt hay phong cách của chúng ta, mà Ngài nhìn thấu tâm can của từng người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy có hai mẫu người:
Mẫu thứ nhất là các luật sĩ: bề ngoài họ đạo đức, giữ luật chín chắn, đọc kinh nhiều và đọc thật dài. Vì thế, họ được người ta kính trọng, ra ngoài đường ai gặp cũng kính chào, khi dự một buổi hội họp thì ai cũng nhường cho họ những chỗ danh dự nhất. Tuy nhiên, thực ra bên trong họ chẳng đạo đức chút nào. Họ chỉ làm ra bộ đạo đức như vậy để được người khác kính trọng và dâng cúng tiền bạc.
Mẫu người thứ hai là người đàn bà góa: bà rất nghèo nàn, không ai để ý tới sự hiện diện của bà nhưng tâm hồn bà lại cao quý.
Chúa đã gọi các môn đệ đến chỉ cho họ thấy thái độ và việc làm của bà góa, rồi nhận xét: “Thầy nói thật với các con: trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa. Còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống” (Mc 12,44). Tâm tình của bà quý giá hơn nhiều so cái dáng vẻ bề ngoài.
Chúa Giêsu mặc dù coi trọng tâm tình hơn hình thức, nhưng cũng không chủ trương bất cần hình thức. Vì thế, bà góa không phải chỉ có lòng đạo đức, bà còn biểu lộ lòng đạo đức ấy qua cử chỉ dâng cúng đồng tiền nhỏ mọn của bà trong hòm tiền. Việc sống đạo cũng vậy: đọc kinh, dự lễ... phải đi đôi với tâm tình mến Chúa yêu người. Nhưng từ nhận định rất căn bản trên, có nhiều người đi đến chủ trương bất cần hình thức. Họ cho rằng “Đạo Tại Tâm”. Sống đạo cốt là ở tâm hồn, chẳng cần đọc kinh, dự lễ, xưng tội. Ngày nay không ít người chủ trương coi thường những việc đạo đức như đọc kinh cầu nguyện dự lễ. Suy nghĩ thế là một cách ngụy biện của những kẻ ghét đạo và muốn phá đạo; ngụy biện của những người có đạo nhưng lười biếng thi hành những bổn phận đạo đức.
2.
 Chúng ta nói rằng mình thương Chúa, nhưng có thương thật hay không? Hãy xét mình xem ta có cho Chúa gì không? Mỗi ngày vài phút buổi tối trước khi đi ngủ mà có khi ta cũng không cho. Mỗi tuần chừng một tiếng đồng hồ ngày Chúa nhật mà có khi ta cũng không cho, hay có cho thì cũng cắt đầu cắt giữa cắt đuôi, nghĩa là đi lễ trễ, chia trí lo ra, về sớm. Thỉnh thoảng Chúa xin ta một chút hy sinh, một chút cố gắng, chúng ta có cho Chúa hay không? Hay là chúng ta cho Chúa thì ít nhưng xin Chúa thì nhiều, cầu nguyện thì chỉ toàn là xin, xin cho con... xin cho con... Có người xin ơn mà không được Chúa ban như ý thì giận, họ kể lể thế này thế nọ, vậy mà Chúa không nhậm lời. Họ dựa vào một ít việc lành mình đã cho Chúa để làm áp lực với Chúa, bắt Chúa phải ban ơn trả lại. Như vậy cũng chưa phải là thương Chúa thật.
Chúng ta nghĩ rằng mình thương người, nhưng có thương thật hay không? Thì cũng hãy xét mình xem ta có cho người khác cái gì không? Đừng vội biện minh rằng tại vì tôi không có nhiều tiền. Một khi đã thương ai thật thì người ta không thiếu gì cái để cho và cũng không thiếu gì cách để cho. Đâu nhất thiết là phải cho tiền mới là thương. Thí dụ như cho cảm nghĩ tốt, vì thương ai ta sẽ không nghĩ xấu về người đó. Thí dụ như cho sự quan tâm, bởi lẽ thương ai ta không thể nào lơ là dửng dưng với người đó được nhất là khi họ gặp đau khổ, hay như cho sự chăm sóc, giúp đỡ, cho những lời an ủi chân thành, lời cầu nguyện... Người không thương thì chỉ biết nhận mà không biết cho.
Cha Mark Link viết: “Những điều duy nhất ta còn giữ lại được là những gì ta đã cho đi”. Bàn tay tặng hoa hồng vẫn còn vương lại hương thơm. Lạy Chúa, Chúa thấu suốt tận đáy lòng mỗi người chân thực hay giả dối. Xin dạy chúng con biết âm thầm dâng hiến cho tha nhân đang cần sự trợ giúp quảng đại của chúng con.
Lm Carôlô HỒ BẶC XÁI, TÐD Giáo phận Cần Thơ
Nguồn: CGVDT

Cái mác tu sĩ

Cái mác tu sĩ

Tôi và anh hẹn gặp nhau tại một quán cà phê nhỏ ven đường giữa một buổi trưa Sài Thành đầy nắng và gió. Hai anh em chúng tôi đã lớn lên cùng nhau nơi mang vị của biển và hôm nay, chúng tôi có dịp gặp lại nhau sau một khoảng thời gian dài xa vắng. Gặp anh, trò chuyện cùng anh đã gợi nơi tôi có nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Những cảm xúc không chỉ dừng lại là cảm xúc thông thường mà giữa những người bạn hay dành cho nhau nhưng còn là nỗi niềm về một phận người, một hướng đi mà anh đã gói gọn nó trong cụm từ “cái mác của tu sĩ”
Sau khi tôi tốt nghiệp cấp III, chúng tôi ao ước dâng hiến đời mình trong ơn gọi tu trì. Tôi tham gia tìm hiểu Dòng Tên, còn anh chọn theo linh đạo Phan Sinh. Sau đó, vì một lý do nào đó khiến anh chuyển hướng. Rồi anh tiếp tục dấn thân ơn gọi đời mình trong ơn gọi Dòng Tên và thế là tôi lại được sống chung một nền linh đạo với anh. Đến năm 2016, tôi tạm rời xa mọi người và cả anh- người bạn thân chí cốt- để bước vào Nhà Tập. Sau 2 năm, tôi tuyên Khấn Lần Đầu. Khi nói chuyện với mọi người và không quên hỏi thăm thông tin của anh, tôi biết rằng anh cũng đã chuyển hướng để chọn một cuộc sống mới. Vâng, đường ơn gọi của anh khá lận đận và gập ghềnh vì cuộc sống vốn dĩ chẳng có một mẫu số chung nào cho tất cả mọi người cả.
Hôm nay gặp lại anh, tôi nhận ra trên nét mặt của anh đã dần phai đi sự vô tư, ngây thơ thuở nào mà dần thay vào đó là sự dạn dày của sương gió và cả nỗi lo cho cơm, áo, gạo, tiền. Sau khi anh chọn đời sống mới, anh đã phải vất vả nhiều để mưu sinh. Chúng tôi kể cho nhau nghe đủ mọi chuyện đã xảy ra. Anh kể cho tôi nghe về đời sống “độc thân vui tính” và cuộc sống ở khu trọ của anh. Tôi lại kể cho anh nghe về đời sống học tập và những niềm vui nho nhỏ trong đời sống cộng đoàn hiện tại. Chúng tôi cũng ôn lại những kỷ niệm đẹp thời còn ở xứ quê.
Anh thở dài rồi nói một câu vô cùng chân tình khiến tôi chợt bừng tỉnh như người đang giữa cơn mê rằng “Tao nghĩ là làm gì thì làm, cái mác tu sĩ đôi khi cũng là một điều tốt” rồi anh đưa mắt nhìn xuống ly cà phê đen vẫn còn đọng nguyên lớp đường trắng dưới đáy. Chắc hẳn với anh lúc này thì vị đắng của cà phê cũng cùng vị với cuộc đời anh vậy.
Cơn gió thu bất chợt ghé ngang qua chỗ chúng tôi ngồi và nó dường như cũng mang đến nhiều nỗi niềm ưu tư khiến anh trầm ngâm, tư lự. Anh chia sẻ với tôi về đời sống trong những ngày đầu khi anh quyết định không theo đuổi đời sống tu trì nữa. Sự thất vọng, chán nản bao chùm lấy tâm hồn vốn nghệ sĩ, bay bổng của anh và dường như mọi thứ xung quanh đang nhất nhất quay lưng lại. Với anh, thật khó mà vượt qua cảm giác bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời đang trôi đi như vô tình trong khi những điều mà tưởng chừng như mình đã nắm trong tay thì nay theo con gió đầu mùa bay xa nơi tít tắp cách đột ngột. Lúc còn tìm hiểu, còn “đi tu” thì ai cũng muốn giúp, cũng muốn săn đón nhưng nay lại “xa rồi diễm ơi”
Tôi thắc mắc lắm chứ và muốn hỏi lý do tại sao anh lại nói như thế mà sao cố họng cứ nghèn nghèn không dám hỏi. Và rồi anh cũng giải thích thêm để tôi bớt ngộp thở. Số là từ khi anh thông báo rằng mình không đi tu nữa, anh đã mất đi không ít những mối tương quan mà vốn dĩ trước đây anh coi đó là chỗ thân thiết. Những người xưa kia đon đả đón tiếp anh như “thượng khách” thì nay lại trở nên những gương mặt “xã giao” làm anh ngán đến tận cổ.
Đó là không chỉ là câu nói từ chính những cảm nghiệm thực mà anh đã và đang phải trải qua khi chuyển từ cái người ta gọi là “thầy” sang một cuộc sống mới hơn. Từ câu nói của anh cũng khiến tôi ngẫm nghĩ nhiều về cuộc sống hiện tại của mình.
Điều mà anh bạn của tôi chia sẻ cũng đáng cho tôi suy nghĩ lắm chứ! Tôi cứ suy nghĩ mãi về “Cái mác tu sĩ” và cố tìm hiểu xem nó là gì? Với tôi, thì cụm từ ấy thường chỉ đến những con người dấn thân trong đời sống ơn gọi và dưới danh xưng là “Thầy”, là “Sơ” như một chức danh.
Quả thật, từ khi tôi thấy lòng mình khao khát dâng đời mình cho Chúa, dường như tôi chưa mảy may nghĩ rằng mình sẽ làm gì vĩ đại sau này và tôi cũng chẳng ước mong người khác phải chào mình là “Thầy”. Tôi chỉ ước mong rằng mình được sống cho Chúa trong từng việc nhỏ nhặt của cuộc sống giản đơn, tôi được sống với Chúa trong cầu nguyện và tình huynh đệ, tôi cũng được dấn thân cho Chúa qua những người nghèo và các công việc của Dòng trao phó. Thế nhưng, như anh bạn tôi nói, đôi khi “cái mác tu sĩ” vẫn lờ mờ đâu đó trong đời sống thường nhật của mình.
Có lẽ rằng nếu người ta biết tôi là tu sĩ thì tôi sẽ dễ nhận được những ưu đãi hơn người khác. Ngay chính kinh nghiệm của mình khi ngồi đợi trong một tiệm sửa xe máy. Ban đầu, tôi mang xe máy đến cho anh thợ sửa giúp vì máy cứ bị tắt hoài. Vì nghĩ rằng tôi không vội nên anh thợ cứ làm cho người khác, còn tôi mãi ngồi đọc cho xong cuốn sách mà quên để ý xe mình đã được sửa chưa. Hơn mười lăm phút sau, tôi thình lình nghe tiếng gọi tên mình từ trong nhà vọng ra, nhìn lên thì tôi thấy anh chủ đã đứng ngay trước mặt. Nói chuyện, chào hỏi một lát thì anh biết tôi đi sửa xe mà đợi nãy giờ chưa xong. Dĩ nhiên, sau cuộc trao đổi ngắn đó, tôi thấy anh chủ tiệm nói nhỏ với cậu thợ gì đó rồi vào nhà. Mười phút sau, xe tôi được sửa xong với hóa đơn tính tiền là 0 đồng.
Nhưng đâu phải đi tu là tìm những ưu đãi như thế. Nếu tu sĩ luôn tìm kiếm cơ hội để được ưu đãi, để bản thân mình luôn được tiếp đón cách trịnh trọng thì có lẽ đã đi ngược lại với đoan nguyện của một tu sĩ mất rồi. Điều anh bạn của tôi nói quả thật rất khó có thể nói hết thành lời. Bởi lẽ, không ít người nghĩ rằng tu sĩ như những vị “thánh sống”, đức độ và tri thức vì sống gần Chúa, luôn có tương quan mật thiết với Chúa hơn họ là những người sống ở đời nên có sự tiếp đãi khác với người khác. Khi còn ở Nhà Tập, tôi được dạy rằng người giáo dân chào tôi là “Thầy” không phải vì tôi mà là vì họ nhận ra được hình ảnh và bàn tay của Chúa đã và đang mời gọi tôi đi cùng con đường để làm thế giới tốt đẹp hơn nên họ mới chào “Thầy”. Một người bạn thời đại học của tôi đã chia sẻ trong ngày tôi tuyên khấn Lần Đầu rằng đời tu rất đẹp vì những bước chân của người tu sĩ vô cùng âm thầm, lặng lẽ. Trong khi bạn bè của mình đã trở thành ông này bà nọ ở trong những công lý lớn hay có những cơ hội thăng quan tiến chức thì những tu sĩ vẫn trầm mình trong những nếp sống của đời dâng hiến. Bản thân tôi cũng cảm nhận vẫn còn đó những khó khăn, thách đố trong đời sống dâng hiến của mình nhưng không thể không vượt qua.
Lời nói của anh bạn của tôi mang một nỗi đau mà chỉ có anh mới hiểu hết. Tôi cũng xin cảm ơn anh vì lời nói ấy, nhờ điều mà anh gọi là “Cái mác tu sĩ” để bản thân tôi ý thức rõ đời sống mình không phải là nơi để tìm kiếm danh vọng và quyền lực hay bất kỳ một ưu đãi nào cho mình cả nhưng cuộc sống mà tôi đã chọn là một đời sống của một tu sĩ nhỏ bé bước theo chân Chúa Giê-su vác thập giá chứ không chỉ đeo trên mình những “cái mác” mà thôi.  Cảm ơn anh bạn của tôi!
Sài Gòn, ngày 18 tháng 11 năm 2018
JB Nguyễn Phi Long, S.J.
Nguồn: Dongten

Chúa đến và tỉnh thức

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG - NĂM C
Bài đọc 1 : Gr 33,14-16; Bài đọc 2 : 1 Tx 3,12 - 4,2 ; Phúc Âm: Lc 21,25-28.34-36

Phụng vụ cuối năm B tưng bừng rộn rã với những lễ trọng kính các thánh tử đạo Việt Nam (CN 33 TN,  ngày 24.11.2018) và lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ (25.11.2018). Một kết thúc hoành tráng. Một kết thúc có hậu với những vị thực sự được đón vào vinh quang bất diệt với Chúa Giêsu Kitô, cụ thể là 117 vị thánh tử đạo Việt Nam.
Hôm nay phụng vụ lại đưa chúng ta vào một chu kỳ mới, với Chúa nhật I Mùa Vọng, với lời kêu mời: “Hãy tỉnh thức” (Lc 21,36). Cũng hợp lý và dễ hiểu thôi, vì chúng ta đang ở trong trần gian, nhưng lại không thuộc về thế gian (Ga 18,36). Chúng ta là những lữ khách tiến về quê thật với khát vọng Chúa đến (Adventus) cách dứt khoát, triệt để và vĩnh viễn.
1. Chúa đến - Chúa lại đến
Thực sự, Chúa đã đến rồi. Biến cố đã xảy ra 2018 năm qua, với thời điểm rõ rệt là năm thứ nhất công nguyên. Địa danh là làng Bêlem... Chúa đến như một em bé bình thường, với cha mẹ là Giuse và Maria, những người nghèo bình thường như bao người khác. Đón tiếp Ngài, thánh sử Luca ghi nhận là “những người chăn chiên” (Lc 2,8-14). Thánh sử Matthêu kể lại có “các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giêsu Hài Nhi” (Mt 2,1-6)...
Hôm nay, nhân loại mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 như một lễ hội... Nhưng các lễ hội hoành tráng đến đâu đi nữa, cũng không đáp ứng đúng với biến cố Chúa lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết (Mt 16,27-28). Trước sự kiện này, thật chua chát khi thánh sử Gioan ghi nhận: “Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người” (Ga 1,10).
2. Tỉnh thức
Chúa đã đến, Chúa lại đến. Biến cố thứ nhất mở đường cho biến cố thứ hai: Chúa lại đến, thời điểm quan trọng ấn định số phận của mỗi người. Kết thúc bài giảng về những điều sau hết, Chúa Giêsu dặn dò: “Hãy tỉnh thức luôn” (Lc 21,5-36).
Tỉnh thức là bỏ giấc ngủ đêm để làm việc (Kn 6,15) hay để khỏi bị tấn công bất ngờ (Tv 127,1) để đạt đích (Cn 8,24). Tỉnh thức sẵn sàng là phải bỏ những khoái lạc và của cải trần thế (Lc 21,34), là điều độ để không thuộc về đêm và bóng tối (1Tx 5,5). Tích cực hơn, tỉnh thức là “mặc lấy đức tin và đức mến làm áo giáp và lòng trông cậy cứu độ là mũ chiến” (1Tx 5,8). Cơn cám dỗ ngủ vùi thật nguy hiểm khiến chính Chúa Giêsu tha thiết kêu gọi: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Mt 26,14). Các tông đồ cũng khuyên như vậy (1Cr 16,13; Cl 4,2; Ep 6,10-12; 1Pr 5,8). “Phúc cho ai tỉnh thức và giữ nguyên trang phục” (Kh 16,15), họ sẽ nhập vào đoàn người cùng khải hoàn với Chúa.
Lm Phaolô Phạm Quốc Túy, giáo xứ Bình Hòa, GP Phú Cường
Nguồn: CGVDT

Chúa đến và tỉnh thức

Phụng vụ cuối năm B tưng bừng rộn rã với những lễ trọng kính các thánh tử đạo Việt Nam (CN 33 TN,  ngày 24.11.2018) và lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ (25.11.2018). Một kết thúc hoành tráng. Một kết thúc có hậu với những vị thực sự được đón vào vinh quang bất diệt với Chúa Giêsu Kitô, cụ thể là 117 vị thánh tử đạo Việt Nam.
Hôm nay phụng vụ lại đưa chúng ta vào một chu kỳ mới, với Chúa nhật I Mùa Vọng, với lời kêu mời: “Hãy tỉnh thức” (Lc 21,36). Cũng hợp lý và dễ hiểu thôi, vì chúng ta đang ở trong trần gian, nhưng lại không thuộc về thế gian (Ga 18,36). Chúng ta là những lữ khách tiến về quê thật với khát vọng Chúa đến (Adventus) cách dứt khoát, triệt để và vĩnh viễn.
1. Chúa đến - Chúa lại đến
Thực sự, Chúa đã đến rồi. Biến cố đã xảy ra 2018 năm qua, với thời điểm rõ rệt là năm thứ nhất công nguyên. Địa danh là làng Bêlem... Chúa đến như một em bé bình thường, với cha mẹ là Giuse và Maria, những người nghèo bình thường như bao người khác. Đón tiếp Ngài, thánh sử Luca ghi nhận là “những người chăn chiên” (Lc 2,8-14). Thánh sử Matthêu kể lại có “các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giêsu Hài Nhi” (Mt 2,1-6)...
Hôm nay, nhân loại mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 như một lễ hội... Nhưng các lễ hội hoành tráng đến đâu đi nữa, cũng không đáp ứng đúng với biến cố Chúa lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết (Mt 16,27-28). Trước sự kiện này, thật chua chát khi thánh sử Gioan ghi nhận: “Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người” (Ga 1,10).
2. Tỉnh thức
Chúa đã đến, Chúa lại đến. Biến cố thứ nhất mở đường cho biến cố thứ hai: Chúa lại đến, thời điểm quan trọng ấn định số phận của mỗi người. Kết thúc bài giảng về những điều sau hết, Chúa Giêsu dặn dò: “Hãy tỉnh thức luôn” (Lc 21,5-36).
Tỉnh thức là bỏ giấc ngủ đêm để làm việc (Kn 6,15) hay để khỏi bị tấn công bất ngờ (Tv 127,1) để đạt đích (Cn 8,24). Tỉnh thức sẵn sàng là phải bỏ những khoái lạc và của cải trần thế (Lc 21,34), là điều độ để không thuộc về đêm và bóng tối (1Tx 5,5). Tích cực hơn, tỉnh thức là “mặc lấy đức tin và đức mến làm áo giáp và lòng trông cậy cứu độ là mũ chiến” (1Tx 5,8). Cơn cám dỗ ngủ vùi thật nguy hiểm khiến chính Chúa Giêsu tha thiết kêu gọi: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Mt 26,14). Các tông đồ cũng khuyên như vậy (1Cr 16,13; Cl 4,2; Ep 6,10-12; 1Pr 5,8). “Phúc cho ai tỉnh thức và giữ nguyên trang phục” (Kh 16,15), họ sẽ nhập vào đoàn người cùng khải hoàn với Chúa.
Lm Phaolô Phạm Quốc Túy, giáo xứ Bình Hòa, GP Phú Cường
Nguồn: CGVDT